Học sinh viết lẫn lộn một số chữ cái ghi âm dầu như: l/n (đi nàm, no nắng...), g/gh (gê sợ, gi nhớ...), c/k (céo co...), ch/tr (cây che, chiến chanh...), ng/ngh (ngỉ ngơi, nge nhạc...), s/x (xa mạc, sung phong...). Trong các lỗi này, lỗi về s/x, ch/tr đối với lớp tôi là phổ biến hơn cả. Thông thường những lỗi này thường do đọc sai dẫn đến việc viết sai. vậy làm sao để phân biệt các lỗi phụ âm này?
1. Phân biệt "s/x"
Viết sai do không phân biệt s/x, có thể sử dụng:
- "x" kết hợp với các vần bắt đầu bằng oa, oă, oe, uê - xuất hiện trong các tiếng có âm đệm. (trừ các trường hợp: soát, sột soạt, (sờ) soạng. VD: xuề xoà, xoay xở, xoen xoét, xoắn,…)
- Từ láy phụ âm đầu có tất cả các tiếng đều là s hay x..
Ví dụ: san sát, sục sạo, sung sướng, sỗ sàng, sáng sủa, sừng sững, sụt sịt,… ; xanh xao, xào xạc, xấp xỉ, xao xuyến, xăm xắp, xoàng xỉnh, xí xoá,….
- Từ láy bộ phận vần thường là chữ “x”.
Ví dụ: loà xoà, lao xao, lộn xộn, bờm xờm, xoi mói, xích mích,…(trừ các trường hợp: cục súc, đồ sộ, sáng láng, lụp xụp - lụp sụp).
- Về nghĩa:
+ Tên thức ăn thường viết với “x”. VD: xôi, xúc xích, lạp xưởng, xa xíu.
+ Tên các con vật, các loài cây thường viết “s”. VD: sẻ, sóc, sói, sên, sam; sung, sim, sắn, sâm, sồi, sấu, sậy, sen…
+ Những từ chỉ hơi đi ra viết với “x”. VD: xì, xổ, xỉu, xọp, xẹp.
+ Những từ chỉ nghĩa sụp xuống viết s. VD: sụt, sụp, sẩy chân, kém sút.
+ Những từ chỉ quan hệ ngữ pháp phần lớn đi với “s”. VD: sự, sẽ, sắp, sao, sẵn, song.
2. Phân biệt "tr/ch"
- “ch” kết hợp với các vần bắt đầu bằng oa, oă, oe, uê - xuất hiện trong các tiếng có âm đệm.
Ví dụ: choáng mắt, loắt choắt, choai choai,...
- Từ láy phụ âm đầu có tất cả các tiếng đều là ch hay tr.
Từ láy phụ âm đầu phần lớn là ch;
Những từ láy phụ âm đầu tr rất ít: có nghĩa là trơ: trơ tráo, trơ trẽn, trơ trụi, trống trải, trần truồng, trùng trục, trâng tráo, trợn trạo, trừng trộ; hay có nghĩa là chậm trễ: trễ tràng, trì trệ, trù trừ, trúc trắc, trục trặc và khoảng 10 từ: trối trăng, trà trộn, tròn trịa, trai tráng, trầm trồ (trằm trồ), trăn trở, trằn trọc, tròn trặn, trong trẻo, trắng trẻo.
Từ láy bộ phận vần thường là chữ ch. (trừ 4 trường hợp: tróc lóc, trẹt lét, trót lọt, trụi lũi). VD: chán ngán, cheo leo, chênh vênh, lã chã,…
- Về nghĩa:
+ Những từ chỉ quan hệ gia đình viết bằng “ch”. VD: cha, chú, cháu, chị, chồng, chàng,
chắt, chút, chít.
+ Những từ chỉ đồ dùng trong nhà viết bằng “ch”. VD: chai, chạn, chén, chõ, chõng,
chiếu, chăn, chày, chảo, chậu, chổi, chuồng, chum, chĩnh…
+ Những từ chỉ quan hệ ngữ pháp phủ định viết bằng “ch”. VD: chẳng, chăng, chưa, chớ, chả,…
+ Những từ chỉ quan hệ ngữ pháp vị trí viết bằng tr. VD; trên, trong, trước.
+ Những từ âm đầu đồng nghĩa với âm đầu th, t thì viết bằng ch; gi và các âm đầu khác thì viết bằng tr. VD: thọc - chọc, thun – chun , chữ - tự, chùa - tự, tải - chở; tiếp - chắp, thị - chợ; giai – trai, giăng – trăng, giầu - trầu, giồng - trồng, giối giăng - trối trăng, giáo giở - tráo trở, giề môi - trề môi; lánh – tránh, leo – trèo, đúng- trúng,…
+ Những tiếng trong từ Hán - Việt mang thanh nặng và thanh huyền viết bằng tr. VD: trịnh trọng, truyền thống, lập trường,…
3. Phân biệt "r/d/gi"
- “gi” và “r” không kết hợp với âm đầu vần (âm đệm), nếu có âm đầu vần thì luôn luôn viết với d.
Ví dụ: duy trì, duyệt binh, doạ nạt, doanh nghiệp,…
- Những tiếng trong từ Hán - Việt mang thanh ngã, thanh nặng thì viết d, mang thanh hỏi, thanh sắc thì viết gi.
Ví dụ: giản dị, giáo dục,…
- Trong từ láy vần, nếu tiếng thứ nhất có phụ âm đầu l thì tiếng thứ hai có phụ âm đầu d.
Ví dụ: lò dò, lim dim,…
- Từ láy âm mô tả âm thanh tiếng động, mô tả từng mức độ của sj rung động ở những cung bậc khác nhau đều viết r.
Ví dụ: rì rào, rả rích - rạo rực, rập rình, rón rén…
4. Phân biệt "iêu/iu/ưu"
- Một số từ viết với "iu" có nét nghĩa cong lại, không phẳng: líu (lưỡi), khíu (trán), địu (con), ỉu xìu. Ngoại lệ: chịu (đựng).
- Từ láy có tiếng chứa vần "iu": hẩm hiu, hắt hiu, đìu hiu, chắt chiu, ngượng nghịu, khẳng khiu, phụng phịu, thiu thiu, kĩu kịt, dịu dàng, hiu hiu, ỉu xìu, liu điu.
- Từ Hán - Việt có yếu tố viết với ưu, không viết với iu: hưu trí, nghiên cứu, tra cứu, sưu tập, lưu lạc, trừu tượng, bưu cục, kì cựu, trường cửu,…
- Từ Hán - Việt có yếu tố viết với "iêu": chi tiêu, mĩ miều, trọng yếu, biểu cảm, diễu
hành, kì diệu, điều độ, hiếu hỉ, nhãn hiệu, giới thiệu, cổ phiếu,…
5. Phân biệt "iêu/ươu/ưu"
* Ở phương ngữ miền Bắc thường phát âm ươu thành iêu. Ở phương ngữ miền Nam thường phát âm ươu thành ưu.
- Số lượng từ tiếng Việt viết với vần "ươu": bướu, hươu, rượu, khướu, tườu (con khỉ), (đầu bò, đầu) bướu.
- Không có yếu tố Hán - Việt nào viết với "ươu".
6. Phân biệt "l/n"
- "l" có thể đứng trước âm đệm oa, oă, uâ, oe, uê, uy.
Ví dụ: lòa xòa, cái loa, loắt choắt, loăn quăn, luẩn quẩn, lí luận, quần loe, lóe sáng, luyến tiếc, luyện tập, lũy thừa, liên lụy…
Tuy nhiên có ngoại lệ: từ "noãn" nghĩa là trứng chỉ dùng trong hai từ Hán - Việt là noãn cầu và noãn xào.
- Trong từ láy: “l” có thể láy âm với các phụ âm khác, còn “n’’ thì không. Do vậy, nếu một tiếng không rõ là viết với L hay N hãy thử tạo từ láy phụ âm đầu. Nếu tiếng đó có thể đứng trước thì nó được viết với L.
+ Ví dụ: lắp bắp, lõm bõm, la cà, lục cục, lim dim, lốm đốm, lúi húi, lơ mơ, lao xao, le te, lào rào, lăng nhăng, lơ ngơ, …..
Còn “n” chỉ láy với chính nó, tức là “n” chỉ xuất hiện trong các từ láy âm. Ví dụ: no nê, nóng nảy, nao núng,…
- Hai từ cùng nghĩa với nhau bao giờ cũng viết “ l ”
Ví dụ: lời - nhời , lớn - nhớn, nhầm - lầm,…
7. Phân biệt "k/c/q; ng/ngh; g/gh" với luật chính tả
Với luật chính tả này, các em đã được làm quen từ lớp 1. Cụ thể:
- Chữ cái "k, gh, ngh": chỉ kết hợp với các nguyên âm i, e, ê.
Ví dụ : kính, kể, kèo .../ghế, ghi…/nghiêng, nghĩ,……
- Chữ cái "c, g, ng" : Luôn đứng trước các vần bắt đầu các nguyên âm : a, ă, à, o, ô, u, ư …
Ví dụ : cần cù, còn, cặm cụi, cũng; gà, gụ…./ngà, ngòi bút, ngôi sao,…..
- Chữ cái "q": Luôn kết hợp với u thành qu (đọc là quờ). Qu luôn đứng trước hầu hết các nguyên âm (trừ các nguyên âm o, u, ư ).
Ví dụ : quan trọng, quanh quẩn….